Các kỹ thuật chính để tạo nên hoa văn Thổ Cẩm

Mỗi một dân tộc Việt đều có cách làm , kỹ thuật và bí quyết khác nhau để tạo ra tấm Thổ Cẩm nhiều màu sắc và hoa văn ý nghĩa

Thường gắn với trang phục của người phụ nữ miền cao, hoa văn thổ cẩm là một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trước khi vải công nghiệp và phẩm màu hóa học được sử dụng phổ biến, việc tạo hoa văn thổ cẩm được thực hiện thủ công bằng những kỹ thuật được truyền qua nhiều thế hệ

Kỹ thuật Batik: Kỹ thuật này được sử dụng phổ biến ở người H’Mông và Dao Tiền. Người ta vẽ hoa văn bằng sáp ong bằng cách nhúng bút vẽ vào sáp ong nấu chảy rồi vẽ lên vải mộc các họa tiết hoa văn. Sáp ong sẽ dính lại trên nền vải, sau đó tấm vải được đem đi nhuộm chàm nhiều lần cho đến khi có được màu như ý muốn. Những chỗ vẽ sáp ong thì nước chàm sẽ không thấm vào. Sau khi giặt và phơi khô, người ta nấu chảy sáp ong đi cho sáp ong bám trên nền vải tan ra tạo những họa tiết trắng trên nền vải chàm sẫm. Ngoài ra họ cũng in sáp ong bằng cách dùng khuôn có chạm khắc các học tiết trang trí sẵn rồi nhúng vào sáp ong được đun nóng và dập lên vải mộc.

Thêu. Thêu là kỹ thuật phổ biến ở các tộc người miền núi phía Bắc vì phụ nữ có thể mang đồ đi theo và thêu ở bất cứ đâu: ở nhà, trên nương, khi đi chợ, đi chơi. Các bé gái học thêu từ rất sớm và đến 12-13 tuổi đã thêu thành thạo. Kỹ thuật thêu được áp dụng trên nhiều kiểu hoa văn thổ cẩm

Với kỹ thuật thêu, người ta có thể tạo những đường cong tự nhiên. Người H’mông thêu chéo mũi tạo những dấu nhân. Người Dao và người Thái chủ yếu sử dụng kỹ thuật thêu luồn sợi và vắt chỉ. Các mẫu thêu truyền thống được ghi nhớ trao truyền từ đời này sang đời khác.

Đáp vải. Phổ biến ở một số tộc người miền núi phía Bắc, đáp vải là kỹ thuật tạo hoa văn bằng nhiều miếng vải màu nhỏ khâu trên một tấm vải nền. Vải để đáp có các màu khác nhau, được cắt hình tam giác, hình vuông, chữ nhật… rồi khâu đáp lên vải nền, mũi khâu giấu ở mặt sau không để lộ đường chỉ

Mỗi dân tộc thường có những kiểu ghép riêng. Người Lô Lô, Pu Péo ghép các hình tam giác. Người Hmông có kỹ thuật đáp vải rất tinh xảo gọi là “đáp vải ngược”, nghĩa là mảnh vải đáp được cắt lượn thành các họa tiết rồi đáp lên y phục để lộ màu nền bên dưới

Ikat. Trong kỹ thuật ikat hay “nhuộm bao sợi”, người ta dùng xơ vỏ cây hoặc sợi nilon buộc bao xung quanh bó sợi ở những đoạn khác nhau rồi đem nhuộm. Các phần sợi được bao sẽ không bắt màu. Quy trình bao – nhuộm lặp lại nhiều lần để tạo những sợi đa sắc, đậm nhạt khác nhau, dùng làm sợi ngang để dệt nên tấm vải ikat

Dệt. Với kỹ thuật dệt, để tạo hoa văn, người ta thêm một sợi ngang khác biệt với sợi nền. Sợi ngang bổ sung này được chèn giữa làn sợi dọc theo hai kỹ thuật khác nhau: hoặc sợi chạy xuyên suốt chiều ngang khổ vải, hoặc chỉ ở vị trí dự định trang trí.

Người dệt thao tác trên mặt trái tấm vải. Khung dệt có thể là loại khung cửi lớn đạp chân, như của người Thái, người Mường, hoặc loại buộc lưng kiểu “inđônêdiêng” của các dân tộc ở Tây Nguyên. Các khung dệt này có hai hàng go cơ bản và các go phụ hoặc những que nhỏ dùng tách sợi dọc để chèn sợi ngang phụ tạo hoa văn. Hoa văn càng phức tạp thì số lượng các go phụ cần dùng càng nhiều

khung cửi dệt vải
khung cửi dệt vải